TĂNG NHÃN ÁP ( Glaucoma) : Nguyên Nhân. Triệu Chứng và Điều Trị Bệnh Như Thế Nào?

Tăng nhãn áp (Glaucoma) dần dần khiến bạn dần dần mất đi thị lực trước khi bạn nhận ra thị lực bị tổn hại nghiêm trọng. Dạng glaucoma hay gặp nhất diễn ra từ từ mà không có dấu hiệu cảnh báo. Glaucoma được xem là một căn bệnh như kẻ giết người thầm lặng. Wit Ecogreen xin chia sẻ kiến thức:

1. Tăng Nhãn Áp ( Glaucoma) là bệnh lý mắt gì?


  • Glaucoma không chỉ là một bệnh mắt đơn giản mà là một nhóm bệnh. Bệnh lý về mắt này tạo một áp lực làm tăng nhãn cầu mắt cao bất thường gây tổn thương thần kinh thị giác. Thần kinh thị giác là một bó gồm hơn một triệu sợi thần kinh ở sau mắt. 
  • Những điểm mù xuất hiện trong tầm nhìn của mắt nơi những dây thần kinh thị giác bị tổn thương, bắt đầu từ thị lực ngoại vi. Nếu không điều trị glaucoma có thể dẫn đến mù cả hai mắt. 


  • Rất may, chỉ có một tỷ lệ nhỏ người mắc bệnh bị mù. Những tiến bộ của y học gần đây đã làm cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh trở nên dễ dàng hơn. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, glaucoma không gây giảm thị lực, cho dù ở mức độ vừa phải. Nhưng bệnh cần được theo dõi thường xuyên và điều trị suốt đời.

Glaucoma thuộc nhóm bệnh lý mắt nguy hiểm, khiến mắt dần dần mất đi thị lực mà không có biểu hiện nghiêm trọng
Glaucoma thuộc nhóm bệnh lý mắt nguy hiểm, khiến mắt dần dần mất đi thị lực mà không có biểu hiện nghiêm trọng


2. Nguyên Nhân Khiến Mắt Bị Tăng Nhãn Áp( Glaucoma)


  • Do áp suất bên trong mắt (áp lực nội nhãn) giúp mắt bạn giữ đúng hình dạng và chức năng. Khi áp suất quá lớn bên trong sẽ ảnh hưởng đến hình dạng của mắt và có thể gây tổn thương thần kinh thị giác.
  • Dịch trong mắt giúp duy trì áp lực nội nhãn ( được gọi là dịch kính) giúp làm đầy khoang dịch kính ở phía sau mắt. Thuỷ dịch liên tục được tạo ra và chảy liên tục giúp nuôi dưỡng thuỷ tinh thể và giác mạc và lấy đi những mảnh vẩn đục mắt. Mắt khoẻ mạnh tiết thuỷ dịch bằng với tốc độ thuỷ dịch chảy đi, nhờ đó duy trì được áp lực bình thường.
  • Khi hệ thống thoát không thực hiện đúng chức năng - ví dụ, nếu bè củng mạc bị tắc - thuỷ dịch không thể chảy với tốc độ bình thường và tạo nên áp lực trong mắt. Vì những lý do mà các bác sĩ còn chưa hiểu rõ, áp lực tăng trong mắt dần dần gây tổn thương các sợi thần kinh tạo nên dây thần kinh thị giác.

3. Có Bao Nhiêu Loại Glaucoma ?

Glaucoma có nhiều loại. Sự khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân khiến dịch bị tắc tạo nên áp lực trong mắt.

3.1. Glaucoma góc mở nguyên phát:


  • Glaucoma góc mở nguyên phát (còn gọi là glaucoma góc mở mạn tính) chiếm đa số các trường hợp bị bệnh. Mặc dù góc dẫn lưu được tạo thành bởi giác mạc và mống mắt vẫn mở, song thuỷ dịch chảy quá chậm. Dẫn đến dịch ứ lại và dần dần tạo thành áp lực trong mắt. Tổn thương dây thần kinh thị giác diễn ra chậm và không đau tới mức bạn có thể mất phần lớn thị lực trước khi biết là có vấn đề về mắt.
  • Glaucoma góc mở nguyên phát có rất ít dấu hiệu cảnh báo cho tới khi tổn thương vĩnh viễn đã xảy ra. Đó là lý do tại sao khám mắt đều đặn là chìa khóa để phát hiện glocom sớm đủ để điều trị thành công. Tốt nhất khám mắt thường xuyên, đừng chờ đến khi có triệu chứng xuất hiện. Một số xét nghiệm có thể do bác sĩ đa khoa thực hiện, nhưng một số xét nghiệm khác cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa mắt.

Nguyên nhân của glaucoma góc mở nguyên phát còn chưa rõ. Có thể do dẫn lưu hoặc hấp thu thuỷ dịch kém hiệu quả do tuổi già, nhưng không phải tất cả những người cao tuổi đều bị dạng glaucoma này.

3.2. Glaucoma góc đóng:


  •  Glaucoma góc đóng là dạng bệnh ít gặp hơn. Nó xảy ra khi góc dẫn lưu tạo bởi giác mạc và mống mắt bị đóng kín hoặc bị tắc. Thuỷ dịch không thể chảy qua bè củng mạc, hậu quả là glaucoma. Glaucoma góc đóng có thể là mạn tính (tiến triển dần dần) hoặc cấp tính (đột ngột).
  • Phần lớn những người bị dạng glaucoma này có góc dẫn lưu rất hẹp, có thể bất thường bẩm sinh. Glaucoma góc đóng hay gặp hơn ở những người viễn thị, những người này thường có mắt nhỏ hơn có thể làm hẹp góc. Sự lão hóa bình thường cũng có thể gây tắc nghẽn góc. Khi bạn có tuổi, thuỷ tinh thể của bạn trở nên to hơn, đẩy mống mắt ra trước và làm hẹp khoảng cách giữa mống mắt và giác mạc.

Lưu ý: Glaucoma góc đóng cấp tính là một cấp cứu có thể gây giảm thị lực trong vòng vài giờ sau khi bệnh khởi phát. Nếu không được điều trị mắt có thể bị mù chỉ trong 1 hoặc 2 ngày.

3.3. Glaucoma thứ phát: 


  • Cả glaucoma góc đóng và góc mở đều có thể là bệnh nguyên phát hoặc thứ phát.
  • Bệnh được gọi là nguyên phát khi không rõ nguyên nhân. Bệnh được gọi là thứ phát khi có thể tìm được nguyên nhân, như tổn thương hoặc bệnh mắt.
  • Glaucoma thứ phát có thể do một số bệnh, thuốc, tổn thương thực thể, và bất thường hoặc dị tật mắt gây ra. Trong một số ít trường hợp  phẫu thuật mắt có thể gây glaucoma thứ phát.

3.4.Glaucoma áp lực thấp: 


  • Glaucoma áp lực thấp là thể bệnh hiếm gặp , trong thể bệnh này, nhãn áp vẫn trong giới hạn bình thường nhưng thần kinh thị giác bị tổn thương.
  • Một số chuyên gia tin rằng những người bị glaucoma áp lực thấp có thể do thần kinh thị giác yếu bất thường hoặc giảm cung cấp máu cho thần kinh thị giác do những bệnh như tắc động mạch (xơ mỡ động mạch). Trong những bệnh  này áp lực bình thường trên dây thần kinh thị giác cũng đủ để gây tổn thương.
  • Glaucoma góc mở có thể có liên quan di truyền. Nghĩa là khuyết tật ở một hoặc nhiều gen có thể gây ra bệnh. Những người có tiền sử gia đình bị glaucoma dễ bị bệnh này. Tuy nhiên, chưa xác định được chính xác gen nào bị khuyết tật.
Glaucoma góc đóng cấp tính có thể phát bệnh đột ngột và gây mù lòa từ 1 - 2 ngày sau khi phát bệnh
Glaucoma góc đóng cấp tính có thể phát bệnh đột ngột và gây mù lòa từ 1 - 2 ngày sau khi phát bệnh


4. Dấu Hiệu và Triệu Chứng Của Tăng Nhãn Áp ( Glaucoma)


Glaucoma có nhiều dạng khác nhau, tùy theo từng nguyên nhân gây ra tăng áp lực trong mắt sẽ có thể dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác. Các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau tuỳ thuộc vào dạng glaucoma khác nhau.

 4.1. Dấu hiệu Tăng Nhãn Áp ( Glaucoma)  góc mở


  • Khi bệnh nhân bị mắc Glaucoma góc mở sẽ có ít hoặc không có triệu chứng cho đến khi bệnh tới giai đoạn muộn khi thị lực giảm rõ rệt. 
  • Vì nhãn áp tăng tiếp tục gây tổn thương dây thần kinh thị giác, tạo nhiều điểm mù trong mắt khiến bạn càng ngày càng giảm thị lực ngoại vi. Glaucoma góc mở thường xảy ra ở cả hai mắt, mặc dù đầu tiên bạn chỉ có triệu chứng ở một mắt. Các triệu chứng khác gồm:

Nhạy cảm với ánh đèn và ánh sáng chói.

- Khó phân biệt giữa bóng râm thay đổi và tối

- Khó nhìn ban đêm

 4.2. Dấu hiệu Tăng Nhãn Áp ( Glaucoma)  góc đóng


  • Glaucoma góc đóng cấp tính xuất hiện đột ngột với nhãn áp tăng nhanh. Mù vĩnh viễn có thể xảy ra trong vòng vài giờ sau cơn glaucoma, vì vậy cần điều trị ngay lập tức. Cơn glaucoma thường xảy ra vào buổi chiều khi ánh sáng giảm đi và đồng tử giãn rộng. Các triệu chứng có thể rất nặng bao gồm:

- Nhìn mờ

- Quầng xanh đỏ quanh ánh đèn

- Mắt đỏ

- Đau đầu

- Đau mắt dữ dội

- Buồn nôn và nôn

- Cứng nhãn cầu bên mắt bệnh

Lưu ý : khi có những dấu hiệu của Glaucoma góc đóng cấp tính như trên cần tới ngay phòng khám gần nhất ở bệnh viện địa phương để sơ cứu kịp thời trước khi quá muộn sẽ khiến mắt bị mù lòa.

Có thể bạn muốn biết thêm các triệu chứng dấu hiệu bạn đang mắc các bệnh lý khác về mắt: https://wit-ecogreen.com.vn/cac-benh-ve-mat/moi-mat-nhuc-mat-thay-cham-den-nhin-loa-sang-la-benh-gi-c3a117.html

5. Các Yếu Tố Nguy Cơ Khiến Bạn Dễ Mắc Tăng Nhãn Áp ( Glaucoma)

Vì các dạng glaucoma mạn tính có thể phá hủy thị lực trước khi triệu chứng xuất hiện, nên cần biết về các yếu tố này, dưới đây là một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh :

  • Áp lực nội nhãn cao

Nếu áp lực nội nhãn cao hơn bình thường, bạn tăng nguy cơ bị glaucoma. Tuy nhiên phần lớn những người có áp lực nội nhãn tăng nhẹ không bị bệnh. Điều này khiến rất khó dự đoán người nào sẽ bị glaucoma.

  • Tuổi tác :

 Glaucoma góc mở ít gặp trước tuổi 40. Cứ mỗi 10 năm sau độ tuổi 50, nguy cơ bị glaucoma lại tăng gần gấp đôi. Khoảng 14% người Mỹ ở độ tuổi từ 80 trở lên bị bệnh. Glaucoma góc mở nguyên phát hay gặp nhất ở phụ nữ cao tuổi.


  • Vấn Đề Chủng tộc: 


Theo một nghiên cứu những người da đen dễ bị glaucoma gấp ba đến bốn lần so với người da trắng, và họ dễ bị mù vĩnh viễn hơn gấp 6 lần. Lý do của sự khác biệt này có thể do những người da đen dễ bị tổn thương thần kinh thị giác hơn, hoặc họ không đáp ứng với các biện pháp điều trị hiện đại có tốt như người da trắng. Người Mỹ gốc Á, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt, cũng có nguy cơ cao hơn. Bên cạnh đó Người Mỹ gốc Nhật dễ bị glaucoma áp lực thấp.

  • Tiền sử gia đình có người bị glaucoma:


 Nếu có cha hoặc mẹ bị glaucoma, bạn có khoảng 20% khả năng bị bệnh. Nếu có một anh (chị, em) ruột bị bệnh, bạn có khoảng 50% khả năng bị bệnh.

  • Cận thị: 


Cận thị nặng làm tăng nguy cơ glaucoma. Một nghiên cứu lớn về sức khoẻ mắt thấy rằng những người bị cận thị có nguy cơ bị glaucoma cao gấp 2-3 lần so với người không bị cận thị.

Vậy Tăng Nhãn Áp Có Phải là cận thị không? 
Theo những thông tin bên trên kết luận rằng tăng nhãn áp và cận thị là 2 bệnh lý về mắt hoàn toàn khác nhau và nguy cơ của hai bệnh này cũng không hề giống nhau. Tăng nhãn áp nếu không được phát hiện và điều trị thì khả năng gây mù lòa là trên 40%, điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chính bản thân chúng ta.

  •  Các bệnh khác lý nguy hiểm khác


Nếu bạn bị tiểu đường, nguy cơ glaucoma cao hơn khoảng 3 lần so với những người không bị tiểu đường. Tiền sử huyết áp cao hoặc bệnh tim cũng có thể làm tăng nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ khác gồm bong võng mạc, khối u mắt và viêm mắt như viêm màng bồ đào mạn tính và viêm mống mắt. Tiền sử phẫu thuật mắt có thể gây ra glaucoma thứ phát.

  • Các tổn thương nặng ở mắt: 


Chấn thương nặng, như bị đánh vào mắt, có thể làm tăng nhãn áp. Vết thương cũng có thể làm di lệch thuỷ tinh thể, gây đóng góc dẫn lưu.

  • Dùng thuốc chứa corticosteroid kéo dài: 


Dùng corticosteroid kéo dài khiến bạn có nguy cơ bị glaucoma thứ phát.

  • Cấu Trúc Bất thường của mắt:


- Bất thường về cấu trúc của mắt có thể dẫn đến glaucoma thứ phát.
Ví dụ, glaucoma sắc tố là dạng glaucoma thứ phát do hạt sắc tố tách ra từ phía sau mống mắt. Những hạt sắc tố này có thể làm tắc mạng lưới bè củng mạc.

6. Các Xét Nghiệm Chuẩn Đoán Mắt Bị Tăng Nhãn Áp ( Glaucoma) 

Nếu nghi ngờ mắt bị glaucoma, bác sỹ có thể tiến hành một loạt xét nghiệm để phát hiện các dấu hiệu tổn thương. Các xét nghiệm gồm:

6.1. Đo nhãn áp:


  •  Đo nhãn áp là một thủ thuật đơn giản không đau để đo áp lực nội nhãn. Đây thường là xét nghiệm sàng lọc ban đầu để phát hiện glaucoma. 
  • Hai kỹ thuật thông thường là đo nhãn áp luồng khí và đo nhãn áp phẳng. 
  • Đèn khe sử dụng tia sáng mạnh rọi vào giác mạc, mống mắt, thuỷ tinh thể và tiền phòng, cho phép bác sĩ quan sát những cấu trúc này. 
  • Trong đo nhãn áp, bác sĩ gây tê mắt bạn bằng thuốc và đặt bạn ngồi vào chỗ đèn khe, nơi có một hình nón nhỏ đầu phẳng ấn nhẹ vào nhãn cầu. Lực cần để làm bẹt một vùng nhỏ của nhãn cầu được chuyển đổi thành số đo nhãn áp.

Nhãn áp bình thường trong phạm vi từ 10-22 millimet thuỷ ngân (mmHg). Khi lớn hơn 23 mmHg là có nguy cơ bị glaucoma và cần phải theo dõi cẩn thận các dấu hiệu sớm của glaucoma. Những người nhãn áp trên 30 mmHg có nguy cơ cao bị bệnh tăng nhãn áp hơn.

6.2. Xét nghiệm phát hiện tổn thương thần kinh thị giác: 


  • Để kiểm tra các sợi thần kinh thị giác, bác sĩ dùng một dụng cụ gọi là máy soi đáy mắt, cho phép nhìn trực tiếp qua đồng tử vào đáy mắt. 
  • Bác sĩ cũng có thể dùng đèn laser và máy tính để tạo ra hình ảnh ba chiều của thần kinh thị giác. Hình ảnh này có thể cho thấy những thay đổi nhỏ báo hiệu sự bắt đầu của glaucoma

6.3. Đo thị trường tầm nhìn mắt: 


  • Để kiểm tra thị trường của bạn bị ảnh hưởng bởi glaucoma như thế nào, bác sĩ sử dụng xét nghiệm đo chu vi. Một phương pháp, gọi là đo chu vi màn tiếp tuyến, yêu cầu bạn nhìn vào một màn hình có tiêu điểm ở giữa. 
  • Bác sĩ dịch chuyển một vật thể nhỏ gắn trên một cái que đến các vị trí khác nhau trong thị trường. Bạn báo hiệu mỗi khi thấy mục tiêu đi vào tầm nhìn. Bằng cách lặp lại quá trình này nhiều lần, bác sĩ có thể vẽ ra toàn bộ thị trường của bạn.

6.4. Các xét nghiệm bổ sung khác:


  •  Để phân biệt giữa glaucoma góc đóng và góc mở, bác sĩ mắt có thể dùng một kỹ thuật gọi là giác nghiệm, trong đó một thấu kính đặc biệt được đặt vào mắt để kiểm tra góc dẫn lưu. Một xét nghiệm khác, nhãn áp đò, có thể đánh giá tốc độ dẫn lưu dịch qua bè củng mạc.
  • Để có chẩn đoán glaucoma, bạn phải hội đủ một số yếu tố, bao gồm:
- Áp lực nội nhãn tăng

- Những vùng giảm thị lực và tổn thương thần kinh thị giác.
Trong glaucoma, đĩa thị biểu hiện những dấu hiệu tổn thương nhìn thấy được. Đĩa thị là nơi tất cả các sợi thần kinh chập vào nhau ở đáy mắt trước khi ra khỏi nhãn cầu. Glaucoma làm cho đĩa thị lõm xuống hoặc thành hố, như thể có người khoét mất phần trung tâm đĩa.

Kiến thức bổ sung :
UNG THƯ MẮT - 5 Nguy Cơ Gây Bệnh Mắt Nguy Hiểm
Mẹo giúp điều trị các bệnh mắt thường gặp
Chữa trị triệu chứng mỏi mắt nhức đầu khi mang thai
5 Bệnh Đau mắt thường gặp ở trẻ em !
6. Điều Trị Tăng Nhãn Áp ( Glaucoma) như thế nào?

  • Nếu bác sĩ xác định bạn bị tăng nhãn áp, địa thị bị lõm và tầm nhìn đang giảm dần bạn sẽ được điều trị glaucoma. 
  • Nếu bạn chỉ bị tăng nhãn áp nhẹ, không tổn thương thần kinh thị giác và không thu hẹp thị trường, bạn có thể không cần điều trị, nhưng bác sĩ có thể khuyên bạn phải đi khám thường xuyên hơn để phát hiện mọi thay đổi trong tương lai. 
  • Nếu bạn có dấu hiệu tổn thương thần kinh thị giác và thu hẹp tầm nhìn của mắt, cho dù nhãn áp trong giới hạn bình thường, bạn cần điều trị để làm giảm nhãn áp hơn nữa, có thể giúp làm chậm tiến triển glaucoma.
  • Thuốc là phương pháp điều trị sớm thông dụng nhất đối với glaucoma. Thông thường việc điều trị sẽ chuyển sang phẫu thuật nếu thuốc không có tác dụng. 
Tuy nhiên, phẫu thuật cũng là một lựa chọn điều trị ban đầu an toàn và hiệu quả. Hiện tại điều trị Tăng Nhãn Áp ( Glaucoma) sẽ sử dụng 3 biện pháp là Thuốc nhỏ mắt, thuốc uống và phẫu thuật có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm tổn thương.

6.1. Thuốc nhỏ mắt điều trị Tăng Nhãn Áp

Việc điều trị glaucoma thường bắt đầu bằng thuốc nhỏ mắt. Bác sĩ sẽ kê đơn nhiều loại thuốc nhỏ mắt. Phải đảm bảo tuyệt đối sử dụng thuốc đúng theo đơn để kiểm soát nhãn áp tránh khiến thần kinh thị giác bị tổn thương thêm.

Các thuốc nhỏ mắt trị Glaucoma ( tăng nhãn áp) mà bác sĩ hay kê đơn nhất gồm:

- Chất chẹn beta: Các thuốc này làm giảm tiết thuỷ dịch. Ví dụ levobunolol (AKBeta, Betagan), timolol (Betimol, Timoptic), carteolol (Ocupress), betaxolol (Betoptic) và metipranolol (OptiPranolol). Tác dụng phụ gồm khó thở, mạch chậm, rụng tóc, giảm huyết áp, liệt dương, mệt mỏi, ốm yếu, trầm cảm và giảm trí nhớ. Nếu bạn bị hen, viêm phế quản hoặc khí phế thũng, hoặc nếu bạn bị tiểu đường và dùng insulin, không nên dùng thuốc chẹn beta trừ phi không có lựa chọn khác, và chỉ dùng khi có sự theo dõi chặt chẽ.

Các thuốc alpha-adrenergic: Những thuốc này làm giảm tiết thuỷ dịch. Ví dụ gồm apraclonidin (Iopidine) và brimonidine (Alphagan). Tác dụng phụ gồm tăng huyết áp, run, đau đầu, lo âu, đỏ và ngứa mắt, khô miệng và dị ứng.

- Các chất ức chế carbonic anhydrase: Các thuốc này gồm dorzolamid (Trusopt), làm giảm lượng thuỷ dịch. Tác dụng phụ gồm mùi vị khó chịu trong miệng. Tiểu rắt và cảm giác kiến bò ở đầu ngón tay ngón chân hay gặp khi dùng chất ức chế carbonic anhydrase đường uống nhưng hiếm gặp khi dùng nhỏ mắt. Nếu bạn bị dị ứng với các thuốc sulfa, không nên dùng loại thuốc này trừ khi không có lựa chọn khác, và chỉ dùng khi có sự theo dõi chặt chẽ.

- Các chất tương tự prostaglandin: Các thuốc nhỏ mắt này làm tăng lượng thuỷ dịch thoát ra. Những chất tương tự hormon này, gồm latanoprost (Xalatan), có thể dùng kết hợp với các thuốc làm giảm tiết thuỷ dịch. Tác dụng phụ gồm đỏ nhẹ và ngứa mắt, mống mắt sẫm màu và sạm da mi mắt.

- Các prostamid: Gồm bimatoprost (Lumigan). Thuốc làm tăng lượng thuỷ dịch thoát ra. Tác dụng phụ gồm đỏ mắt từ nhẹ đến vừa và mọc lông mi.

Thuốc nhỏ mắt điều trị tăng nhãn áp thường được các bác sĩ khuyên dùng


Các thuốc nhỏ mắt khác ít dùng để điều trị bệnh hơn gồm:

- Thuốc làm co đồng tử: Các thuốc này làm tăng lượng thuỷ dịch thoát ra.
Ví dụ gồm pilocarpin (Lsopto Carpine, Pilocar). Tác dụng phụ gồm đau xung quanh hoặc trong mắt, nhức lông mày, nhìn mờ hoặc không rõ, cận thị, dị ứng, ngạt mũi, ra mồ hôi, tăng tiết nước bọt và đôi khi có các vấn đề về tiêu hoá.

- Các hợp chất epinephrin: Các hợp chất này làm tăng lượng thuỷ dịch thoát ra. Ví dụ gồm epinephrin (Epifrin, Eppy/N). Tác dụng phụ gồm đỏ mắt, dị ứng, hồi hộp đánh trống ngực, cao huyết áp, đau đầu, lo âu.

 Lưu ý: Vì một số thuốc nhỏ mắt được hấp thu vào máu, bạn có thể bị những tác dụng phụ không liên quan với mắt. Để giảm thiểu sự hấp thu này, hãy nhắm mắt 1-2 phút sau khi nhỏ thuốc vào mắt. Ấn nhẹ vào góc mắt gần mũi để bịt chặt lệ đạo, và lau sạch những giọt thuốc tràn ra mi mắt. Bác sĩ có thể kê đơn nhiều loại thuốc nhỏ mắt. Nếu bạn dùng nhiều loại, hãy chờ 5-10 phút giữa các lần nhỏ.

6.2. Các Loại  Thuốc Uống Trị Glaucoma ( Tăng Nhãn Áp)

- Nếu khi sử dụng những loại thuốc nhỏ mắt đơn thuần mà không làm nhãn áp giảm xuống mức mong muốn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống.

Những thuốc uống phổ biến nhất trong điều trị glaucoma 
Những loại thuốc có chất ức chế carbonic anhydrase. Các thuốc này gồm acetazolamid (Diamox, Storzolamide), dichlorphenamid (Daranida) và methazolamid (Neptazane).
Uống thuốc vào bữa ăn để làm giảm tác dụng phụ. Có thể giảm thiểu tình trạng mất kali do thuốc bằng cách ăn thêm chuối và uống nước táo.

Lưu ý:
Khi lần đầu tiên bạn bắt đầu uống những thuốc này, bạn có thể bị tiểu rắt và cảm giác kiến bò ở ngón tay ngón chân. Các triệu chứng này thường mất sau vài ngày. Những tác dụng phụ khác của thuốc ức chế carbonic anhydrase gồm phát ban, trầm cảm, mệt mỏi, bơ phờ, kích ứng dạ dày, có vị kim loại trong đồ uống có ga, liệt dương và giảm cân. Có thể bị sỏi thận.

6.3. Phẫu Thuật  Điều Trị Glaucoma

Nếu sử dụng thuốc nhỏ mắt và thuốc uống điều trị không hiệu quả thì biện pháp điều trị Glaucoma cuối cùng là phẫu thuật. Hiện nay, các bác sĩ có thể dùng một số dạng phẫu thuật để điều trị glaucoma:

6.3.1 Phẫu thuật laser: 
Bác sĩ dùng tia laser năng lượng cao để làm co một phần của bè củng mạc, khiến các phần khác bị kéo giãn và mở ra. Thủ thuật giúp dẫn lưu thuỷ dịch ra khỏi mắt dễ dàng hơn để áp dụng điều trị cho Glaucoma góc mở

- Thời gian phẫu thuật :
Loại phẫu thuật laser này được thực hiện tại phòng khám trong 10-20 phút.
Bạn sẽ được dùng thuốc tê nhỏ mắt, ngồi ở chỗ đèn khe và được lắp một thấu kính đặc biệt vào mắt. Bác sĩ chiếu tia laser qua thấu kính vào bè củng mạc và đốt cháy nó. Bạn sẽ nhìn thấy những tia chớp sáng.

- Thời gian mắt phục hồi 
Sau phẫu thuật bạn có thể trở lại ngay với các hoạt động bình thường mà không thấy khó chịu.
Bác sĩ sẽ đo nhãn áp cho bạn 1-2 giờ sau thủ thuật và nhiều lần trong những tuần tiếp theo. Bạn có thể sử dụng đơn thuốc nhỏ mắt chống viêm trong vài ngày sau khi tạo hình bè củng mạc. Có thể mất vài tuần trước khi phẫu thuật phát huy hết hiệu quả.

- Hiệu quả điều trị Glaucoma bằng tia Laser
Ở hầu hết các trường hợp, phẫu thuật laser ban đầu làm giảm nhãn áp. Tuy nhiên, hiệu quả của nó có thể mất dần theo thời gian. Các nghiên cứu cho thấy nhãn áp tăng lên ở nhiều người từ 2-5 năm sau điều trị laser.

6.3.2. Phẫu thuật cổ điển điều trị Glaucoma
Nếu thuốc nhỏ mắt và phẫu thuật laser không có hiệu quả trong kiểm soát nhãn áp, bạn cần một phẫu thuật gọi là cắt bè củng mạc ( phẫu thuật cổ điển). Thủ thuật này được thực hiện ở bệnh viện hoặc trung tâm phẫu thuật ngoại trú.

Phẫu thuật mắt bị tăng nhãn áp là biện pháp điều trị cuối cùng của bệnh lý
Phẫu thuật mắt bị tăng nhãn áp là biện pháp điều trị cuối cùng của bệnh lý

Quy Trình Phẫu Thuật Cổ Điển
Bạn sẽ được dùng thuốc an thần, nhỏ thuốc và tiêm thuốc gây tê vùng mắt.
Dùng kính hiển vi phẫu thuật, bác sỹ sẽ rạch một đường ở củng mạc - phần lòng trắng của mắt - và cắt một mảnh nhỏ bè củng mạc. Lúc này thuỷ dịch có thể tự do chảy ra ngoài mắt qua lỗ này.
Kết quả nhãn áp sẽ giảm. Lỗ này được phủ bởi kết mạc, như vậy sẽ không có lỗ hở ở mắt.

Thời gian mắt phục hồi
Bác sĩ sẽ kiểm tra mắt bạn trong những lần khám theo dõi.
 Bạn sẽ dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh và kháng viêm trong một thời gian sau phẫu thuật để chống nhiễm trùng và sẹo ở lỗ dẫn lưu mới tạo.
Sẹo là vấn đề đặc biệt ở người trẻ tuổi, người da đen và những người đã phẫu thuật đục thuỷ tinh thể. Thủ thuật này sẽ có tác dụng tốt nhất nếu trước đây bạn chưa từng phẫu thuật mắt.
Có thể bạn muốn biết : lp đục thủy tinh
6.3.3. Phẫu Thuật Cấy Ống Dẫn Lưu
Phương pháp phẫu thuật này có thể thực hiện ở người bị glaucoma thứ phát hoặc trẻ em bị glaucoma.
Giống như cắt bè củng mạc, phẫu thuật cấy ống dẫn lưu được thực hiện ở bệnh viện hoặc phòng khám ngoại trú.

Quy Trình Phẫu Thuật Mắt Tăng Nhãn Áp
Bạn sẽ được dùng thuốc an thần và thuốc tê để làm tê mắt. Sau đó bác sĩ cấy một ống silicon nhỏ vào mắt để giúp dẫn lưu thuỷ dịch.
Sau phẫu thuật bạn sẽ mang miếng che mắt trong 24 giờ và nhỏ thuốc vài tuần để chống nhiễm khuẩn và tạo sẹo. Bác sĩ sẽ kiểm tra bạn vài lần trong những tuần tiếp theo.

6.4. Tăng Nhãn Áp ( Glaucoma) có chữa được không?


  • Glaucoma không thể chữa khỏi ( có thể điều trị suốt đời) dứt điểm, và tổn thương do bệnh gây ra không thể phục hồi. Nhưng có thể ngăn ngừa được mắt bị mù lòa nếu tuân thủ các nguyên tắc điều trị như trên.
  • Vì bệnh có thể tiến triển hoặc thay đổi mà bạn không biết, nên việc điều trị có thể cần thay đổi theo thời gian. Kiểm tra sức khoẻ đều đặn và tuân thủ kế hoạch điều trị nghe có vẻ nặng nề, nhưng chúng rất quan trọng để ngăn ngừa giảm thị lực
7. Điều trị Tăng Nhãn Áp góc đóng cấp tính

  • Glaucoma góc đóng cấp tính là một bệnh cấp cứu. Khi bạn trong tình trạng này, bác sĩ có thể cho dùng một số thuốc để làm nhãn áp giảm càng nhanh càng tốt. 
  • Một khi nhãn áp đã được kiểm soát, bạn có thể được phẫu thuật mở mống mắt. Trong thủ thuật này bác sĩ dùng tia laser để tạo thành một lỗ nhỏ ở mống mắt cho phép thuỷ dịch chảy dễ dàng hơn vào tiền phòng. 
  • Nhiều bác sĩ khuyên sau đó nên mở mống mắt cả ở mắt kia vì có nguy cơ cao cơn tăng nhãn áp cũng sẽ xảy ra trong một vài năm tiếp theo.

TÓM LẠI :
Biến chứng của phẫu thuật glaucoma gồm nhiễm trùng, chảy máu, nhãn áp quá cao hoặc quá thấp, nhìn mờ. Phẫu thuật mắt cũng có thể đẩy nhanh tiến triển của đục thuỷ tinh thể. Phần lớn các biến chứng này là có thể điều trị được.

Đọc thêm : [Năm 2018] Top 4 loại thuốc bổ mắt của Mỹ được tin dùng nhất !

8. Phòng Ngừa Bệnh Tăng Nhãn Áp Mắt ( Glaucoma)


  • Hiện tại chưa có biện pháp nào phòng ngừa glaucoma, nhưng khám mắt thường xuyên có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm trước khi xuất hiện tổn thương không thể hồi phục. 
  • Thường xuyên khám mắt định kỳ : 24 - 48 tháng /lần nếu bạn từ 40-65 tuổi, và 6 tháng /lần nếu bạn trên 65 tuổi.
  • Thường xuyên ăn các thực phẩm bổ mắt tốt cho mắt ( thucphambomat.blogspot )
  • Bác sĩ có thể khuyên bạn nên khám mắt thường xuyên hơn nếu bạn đang có nguy cơ bị tăng nhãn áp (glaucoma). Bạn cũng cần khám mắt thường xuyên hơn nếu bạn đã có chẩn đoán áp lực nội nhãn cao bất thường hoặc có tiền sử chấn thương mắt nặng.
  • Có ý thức chăm sóc mắt kĩ càng cho bản thân :Điều quan trọng nhất bạn có thể làm nếu bị glaucoma là dùng thuốc đúng theo đơn. Khám mắt thường xuyên sẽ giúp bác sĩ theo dõi nhãn áp và giúp cho bạn và bác sĩ biết được mọi thay đổi về thị lực.

Nguồn : Tham khảo Vietnam Medical Information

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.